NGÔ MIỄN TƯỚNG CÔNG (Ngày đăng: 21/01/2014)

Ngô Miễn tên hiệu là Đại Đức, sinh năm Tân Hợi đời vua Trần Nghệ Tông (1371), quê ở thôn Mai, xã Xuân Phương, huyện Kim Hoa, xứ Kinh Bắc, nay là phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngay từ nhỏ Ngô Miễn đã là người thông minh, tuấn tú, tính cách khoan hòa. Tuy xuất thân từ một gia đình giàu có và quyền thế nhưng đối với mọi người, ông rất khiêm nhường, hoà nhã. Năm 20 tuổi (năm 1391), ông đỗ Thái học sinh dưới triều vua Trần Thuận Tông (1388-1398).
Vào cuối triều Trần, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân nổi dậy khắp nơi, chống lại triều đình suy yếu. Mặc dù đã đỗ đạt nhưng đứng trước tình cảnh đất nước mất ổn định, ông không ra làm quan mà trở về quê mở trường dạy học. Trong thời kỳ đó, ông đã nhiều lần đặt chân tới vùng biển phía Nam thuộc phủ Thiên Trường. Thấy nơi đây bãi bồi màu mỡ mà chưa có người khai phá, ông xin phép triều đình đưa 10 họ: Ngô, Đỗ, Trần, Hoàng, Nguyễn, Phạm, Vũ, Đinh, Đào, Tạ từ quê hương Xuân Mai xuống lập ấp mới ở phủ Thiên Trường. Mười dòng họ dưới sự chỉ đạo của Ngô Miễn đã vật lộn với sóng biển, lau lách, sình lầy, đắp đê ngăn nước mặn, lấy nước ngọt cho đồng ruộng. Chỉ trong một thời gian ngắn từ 1392 đến 1396 ông đã cùng nhân dân khai khẩn được trên 200 mẫu ruộng và đặt tên là vùng Nhật Hy.
Năm 1400, Ngô Miễn ra làm quan dưới triều Hồ, giữ chức Nội thái giám quân thiên, chỉ huy quân của triều đình. Năm 1406, ông được phong chức Hữu tham tri chính sự, vừa trông coi chính sự trong triều, đồng thời bảo vệ các lăng tẩm, giữ gìn an ninh cho nhân dân trong kinh thành. Trong 6 năm làm quan dưới triều Hồ, ông là người có tài năng đức độ, liêm khiết có nhiều đóng góp cho việc cải cách xã hội. Không những thế, ông còn cùng vua quan nhà Hồ tổ chức nhân dân nhiều lần chống lại giặc ngoại xâm.
Nhưng vì lúc đó triều đình nhà Hồ mới xây dựng, chưa vững chắc trong lòng dân nên việc quy tụ, tập hợp lực lượng chưa đủ mạnh để chống lại giặc Minh. Năm Đinh Hợi (1407) ông cùng quân dân nhà Hồ đánh trả quyết liệt với giặc tại vùng đất miền Trung (Hà Tĩnh ngày nay). Trước thế giặc mạnh, lực lượng của ta dần dần tan vỡ, song ông vẫn chống trả đến cùng. Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, ông đã cùng Kiều Biền nhảy xuống cửa biển Kỳ La tuẫn tiết. Đó là ngày 12 tháng 5 năm Đinh Hợi, lúc đó ông mới 36 tuổi. Ngay sau khi biết tin ông tuẫn tiết, bà Nguyễn Thị Lệnh (vợ ông) và một số gia nhân tuẫn tiết theo.
Dân làng Nhật Hy và nhiều nơi khác trên đất phủ Xuân Trường xưa (nay là huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) tôn ông Ngô Miễn là người đầu tiên khai sáng vùng đất này và lập đền thờ ngưỡng vọng muôn đời.
Cả hai đền: đền Ngô tướng công ở làng Thi (Xuân Hy) xã Xuân Thuỷ, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, đại bản doanh của Ngô Miễn khai khẩn vùng đất này và đền Ngô tướng công tại thôn Xuân Mai, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đều được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia.                                 


File đính kèm: