Sơ lược về địa lý, phong thủy làng Xuân Bảng (Ngày đăng: 15/02/2014)

1- Xuân Bảng xưa và nay
* Trước đây Xuân Bảng có ít nhất khoảng 15 khoảnh đất để ở. Các khoảnh đất cách nhau bởi dòng sông, ruộng lúa, hoặc ruộng mạ. Mỗi khoảnh có từ một đến hàng trăm gia đình ở. Những năm 80 thế kỷ trước, từ chủ trương "cơ giới hóa toàn bộ trong nông nghiệp" các khoảnh đất có một vài gia đình ở giữa cánh đồng bị xóa bỏ lấy đất lấp sông, để cánh đồng ít bị chia cắt. Các gia đình được chuyển vào ở trong làng. Mặt khác, số nhân khẩu tăng thêm nên những ruộng mạ xen kẽ giữa các khoảnh đất bị lấp dần làm đất ở. Vì vậy, đến nay làng chỉ còn 5 khoảnh đất ở lớn.
* So với số dân thì Xuân Bảng là làng có nhiều ruộng. Nhiều gia đình phải đi làm ở ruộng cách nhà hơn 3 km. Thời kỳ Hợp tác xã Nông nghiệp, ruộng đất được công hữu, xã viên Xuân Bảng không tha thiết canh tác. Chính quyền đương thời điều chuyển cho các làng xã lân cận mất khoảng 450 mẫu ruộng (khoảng 162ha)
* Trước đây làng ta có nhiều dòng sông tự nhiên. Trong đó các dòng chính tạo thành ngã ba sông ở vị trí giáp phía đông - nam điện thờ Bà Cô Tổ họ Hoàng. Từ ngã ba này có 3 hướng của dòng sông, trong đó hướng 1 và hướng 2 nêu dưới đây tạo thành thế đất làng Xuân Bảng, theo hình dung của các cụ: là thế chim phượng hoàng tung cánh.
- Hướng sông 1: Từ ngã ba chảy về hướng Tây (dọc bên con đường ở phía trước điện thờ Bà Cô Tổ) cắt qua đường ô tô ở cầu Chéo (trước đây có cầu bằng khung bê tông cốt thép xây dựng từ thời thuộc Pháp, dài khoảng 15 mét, gọi là cầu Chéo vì tại đây sông cắt chéo qua đường ô tô). Sau đó, sông chảy bên đường ô tô đến sau Đền, tạo thành biên cánh chim phía Tây. Từ sau Đền sông chảy vòng quanh phía Tây và phía nam Đền, sau đó vòng xuống phía Nam, chảy qua cầu Gạo (cầu ở cánh đồng, tại vị trí cách khoảng 150m về phía nam Đền, nay không còn), sau đó sông đổi hướng chảy về phía Đông - Nam, qua trại Cấp Tứ (còn gọi là trại Cường), nhập vào sông Cả ở giáp làng An Cư.
Khoảng những năm 70 thế kỷ trước, cầu Chéo bị hư hỏng nặng, Nhà Nước phá bỏ, lấp đi thành đường, làm cầu mới khác để thay thế như hiện nay (cầu trên đường ô tô phía trước điện thờ Bà Cô Tổ) và đào một đoạn sông khác qua cầu mới để thay cho đoạn sông bị lấp. Việc thay đổi này làm cho hình biên cánh chim phía Tây bị sai khác và vị trí ngã ba sông dịch về phía trước điện thờ Bà Cô Tổ như hiện nay.
Khoảng những năm 80 thế kỷ trước, đoạn sông từ hết phía nam Đền về phía cầu Gạo bị lấp bỏ. Để thông thủy, một đoạn sông mới được đào dọc theo đường ôtô đến trước chùa, nối đoạn sông từ sau Đền với sông Huyện (mới đào) ở đầu làng. Đoạn sông cũ vòng quanh phía tây và phía Nam Đền trở thành sông cụt. Hình thế dòng sông tự nhiên lượn quanh Đền tuyệt đẹp, có từ xa xưa, nay không còn nữa. Điều này vô cùng đáng tiếc.
- Hướng sông 2: Từ ngã ba, sông chảy cạnh đoạn đường đi bên phía đông điện thờ bà cô Tổ, qua phía trước nhà thờ Tổ họ Cả, chảy tiếp về phía Đông, đến nhà thờ Tổ họ Bùi thì đổi hướng chảy về phía Bắc, tạo thành hình biên cánh chim phía đông. Sau khi tạo ra biên cánh chim phía Đông sông chia thành 2 nhánh: Một về phía đông qua xóm nhỏ của làng sau đó cũng nhập sông Cả, một về phía Tây chảy về phía sau làng nối với mương nhỏ thông vào hồ thứ 5 (nêu ở phần dưới). Đến nay, hình biên cánh chim phía đông vẫn giữ được như xưa.
- Hướng sông 3: Từ ngã ba, sông vòng về phía nam, chảy cạnh đường ôtô, qua sau khi dân cư, chảy tiếp cạnh đường ô tô và nhập vào sông Cả ở cạnh cầu Kiểm, như hiện nay.
Đầu chim phượng hoàng là thửa đất có điện thờ Bà Cô Tổ. Khoảng những năm 60 thế kỷ trước, con đường làng vẫn bám cạnh sông đi qua phía trước điện thờ Bà Cô Tổ. Ở cạnh đường, cách cửa điện thờ khoảng 30 mét về hai phía có hai chiếc bia bằng đá, mặt bia được khắc hai chữ "hạ mã" (xuống ngựa) bằng chữ Hán. Về sau, từ lòng thành kính Bà Cô Tổ, đồng thời giảm sự quanh co, con đường được nắn thẳng đi qua phía sau điện thờ Bà Cô Tổ như hiện nay. Hai chiếc bia "hạ mã" thể hiện sự linh thiêng nơi điện thờ Bà Cô Tổ bị mất từ đây. Việc nắn thẳng con đường tuy rất hợp lý, nhưng làm mất đi hình thể cũ về phong thủy tự nhiên của làng.
Trước đây ở giữa làng có 5 cái ao lớn nằm sát nhau, được gọi là ngũ hồ. Các hồ này thông thủy bằng các cống nhỏ ở bờ ngăn giữa các hồ. Từ hồ thứ 5 (phía Tây) có con mương nhỏ thông vào nhánh sông chảy phía sau làng. Từ hồ thứ nhất (phía đông) có con mương nhỏ thông với sông trước làng tại cống ngầm qua đường gần sau điện thờ Bà Cô Tổ. Ở khoảng giữa đoạn mương này có một chiếc ao được coi là chiếc diều chim, mương nhỏ cuối hồ được coi như thực quản của chim. Từ những năm hợp tác xã nông nghiệp, các ao trong làng đều được công hữu. Hiệu quả sử dụng ao rất thấp. Do nhu cầu về đất ở ngày càng tăng, một số ao bị lấp làm đất ở, 5 hồ đã bị lấp mất 2. Đến nay hình ảnh phong thủy tự nhiên không còn được như xưa. Thật đáng tiếc.
Khoảng những năm 60, 70 thế kỷ trước, sông làng rất sạch, dân làng vẫn gánh nước sông về trữ vào chum, vào bể làm nước ăn. Những ngày hè oi ả, người ta bơi lội, ngụp lặn thoải mái giữa dòng sông trong mát của quê hương. Nhưng gần đây sông làng đã bị ô nhiễm nặng. Dân làng đã có nước máy, nhưng không thể ngụp lặn trên sông được nữa.
2- Phong thủy làng Xuân Bảng mai sau sẽ như thế nào?
Xuân Bảng là làng có hình thế sông rất đẹp, tạo thành kiểu phong thủy tự nhiên rất độc đáo, hiếm có. Nhưng đến nay, phong thủy làng ta đã thay đổi khá nhiều, đã mất đi những di sản tự nhiên vốn có từ xa xưa. Nguyên nhân có thể do những yêu cầu bắt buộc của cuộc sống đặt ra. Nhưng cũng có nguyên nhân thuộc về nhận thức của người Xuân Bảng. Hoặc không lưu tâm, hoặc không thấy hết tầm quan trọng của phong thủy, không thấy hết sự vô giá của hình thế đất và nước đã tồn tại hàng mấy trăm năm, đã tạo ra sự sống, đã nuôi dưỡng thế hệ người Xuân Bảng, tạo ra làng Xuân Bảng và người Xuân Bảng với phong cách riêng và tính cách riêng. Hình thế đất và nước ấy nếu để mất đi sẽ không bao giờ khôi phục được.
Nếu phong thủy làng ta còn tiếp tục bị biến đổi theo chiều hướng mất dần đi những ao hồ, những dòng sông từng in trên mặt nước trong xanh bóng lũy tre làng tươi mát đã hàng mấy trăm năm gắn bó với các thế hệ người Xuân Bảng. Thì thật là đáng tiếc. Các thế hệ con cháu mai sau có nuối tiếc thì đã muộn, chỉ còn biết trầm tư hỏi tại sao các bậc tiền nhân đã không biết coi trọng giữ gìn?

File đính kèm:

Các tin khác ...