Công trình xây dựng ngôi Đền Xuân Bảng(15/02/2014)

Đền Xuân Bảng được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa (ngày 30 tháng 9 năm 1989). Ngôi Đền có quy mô khá bề thế, đền thờ ngài Ngô Miễn Tướng công và Phu nhân, là người có nghĩa khí chống giặc Minh, được ghi trong "Đại Việt Sử ký toàn thư"

Đền Xuân Bảng được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa (ngày 30 tháng 9 năm 1989). Ngôi Đền có quy mô khá bề thế, đền thờ ngài Ngô Miễn Tướng công và Phu nhân, là người có nghĩa khí chống giặc Minh, được ghi trong “Đại Việt Sử ký toàn thư”
1. Vị trí:
Trên khu đất rộng trước làng có con sông quê hương bao quanh 3 mặt Bắc, Tây, Nam, một tòa nhà đồ sộ, nguy nga, cổ kính mọc lên sừng sững giữa những hàng cây cổ thụ cành lá xum xuê làm tăng thêm vẻ đẹp. Đó là đền Xuân Bảng quê hương ta. Ngôi đền này cùng với quê hương có quá trình lịch sử của nó cũng đã từ lâu.
Đầu tiên, vào năm Tự Đức thứ 33 (1880), xã Nhật Hy được chia làm hai xã là Xuân Hy thượng và Xuân Hy hạ (tức là Xuân Hy và Xuân Bảng ngày nay) thì nhân dân Xuân Hy hạ cũng xây dựng đền chùa riêng ở khu Đồng Nội, là khu vết tích ở khu chùa cũ có cây muỗm. Về sau, nhân dân không ở khu Đồng Nội nữa mà di dần về phía nam (tức là khu làng Xuân Bảng ở bây giờ), thì ngôi đền lại được di về khu Cảng, tiếp đó di về phía đồng Thổ. Cuối cùng vào cuối thế kỷ XIX, đền mới được quyết định xây dựng ở vị trí hiện nay.
2. Kích thước:
Ở vào cảnh thời bấy giờ, giai cấp phong kiến thống trị suy tàn, nhà Nguyễn đầu hàng thực dân Pháp. Nền sản xuất quá lạc hậu, kỹ thuật thô sơ, kể cả về mặt kiến trúc xây dựng cũng hoàn toàn dựa vào sức người, thế mà một công trình lớn lao khéo léo như vậy được xây dựng nên, thật là một kỳ công hiếm có. Đây cũng là sự biểu lộ ý chí tự lực, tự cường dám nghĩ, dám làm của ông cha ta. 
Ngôi đền dài 30m, rộng 18m, chiều cao kể từ mặt đất lên là 16m, diện tích xây dựng là 540m2, bằng đúng 1.5 sào bắc bộ và bằng 12 ngôi nhà 5 gian thường. Kỳ công ở chỗ cột, xà toàn bằng đá. Mỗi cột hoặc xà là một khối hình hộp, cột cao 2.60m, bề rộng và bề ngang 0.55m. Xà dài 3.20m, có bề rộng và bề ngang cũng như cột. Trọng lượng mỗi cột đá khoảng 4500 kg, mỗi xà đá khoảng 5500 kg. Ngoài cột và xà, bộ phận cửa tiên cũng hoàn toàn bằng đá. Tường bao quanh xây dầy 0.86m.
3. Quá trình xây dựng.
a) Người Hưng Công
Xây dựng ngôi đền này trước hết phải là sự đồng tâm hiệp lực của các bô lão và toàn thể con cháu các họ, nhưng một việc to lớn như việc xây dựng đền này, phải có những người đầy đủ tài trí và uy tín đứng ra dựng dã, tổ chức, lãnh đạo mới thành công.
Người đó chính là ông Hoàng Thọ Trụ, tục vẫn thường gọi ông là Đội Trụ. Chính ông đã thiết kế mẫu đền và trực tiếp chỉ đạo thi công. Xuất thân trong một gia đình giàu có và có quyền thế trong làng, ông là người biết thương yêu dân và luôn quan tâm đến đời sống của dân. Nhưng đối với quan lại thì ông tỏ ra khí khái, không chịu luồn lụy cường quyền. Có lần quan bản hạt triệu ông lên, ông đã nói: "Quan có việc gì cần ông thì về mà gặp, chứ ông không có việc gì phải gặp quan cả". Tuy ông không có học vị khoa cử nhưng trình độ hiểu biết của ông rất rộng, lại có tài làm thuốc chữa bệnh. Trong làng có ai ốm đau, ông thường đến tận nhà xem mạch chữa giúp. Vì vậy, ông được nhân dân cảm phục, tin yêu.
b) Chuẩn bị nguyên vật liệu:
Dân làng cùng với thợ đá vào tận Thanh Hóa khai thác đá ở các núi vùng Thạch Thành rồi sơ chế thành các tảng, các cột và xà theo kích thước đã định trước. Một bộ phận dân làng đi chặt tre nứa kết thành bè, một bộ phận khác đi cắt cỏ gianh để đốt vôi, gạch, sau đó kết hợp dùng bè chở đá và cỏ gianh về. Các cụ kể lại rằng mỗi bè như vậy chỉ chở được một cột hoặc một xà. Về tới làng, dân làng bắt tay vào mài đá dưới sự hướng dẫn của các thợ đá. Cứ 2 người dùng một viên gạch vồ đun đi kéo lại khi nào mặt cột và xà nhẵn bóng mới thôi. Tiếp đó, các thợ đá mới sử dụng bàn tay khéo léo của mình điêu khắc những hoa văn trang trí xà cột và khắc chữ theo mẫu đã định.
Gạch để xây tường bao quanh là những viên gạch cỡ lớn dài 40cm, rộng 20cm, dầy 10cm được đốt bằng tre, nứa, cỏ gianh, hết cỏ gianh thì đốt bằng rạ, quy định mỗi phụ nữ cắt 3 sào rạ để đốt gạch và nung vôi.
Công việc chuẩn bị nguyên vật liệu trên đây phải tiến hành ít nhất từ 4 đến 5 năm mới xong.
c) Khởi công
Theo các cụ kể lại thì thời điểm khởi công là năm Tự Đức thứ 36, tức là năm 1883.
Vì là một công trình lớn nặng hàng nghìn tấn nên việc xây móng rất công phu. Hố móng sâu trên 1m, rộng 1.50m được đóng bằng cọc tre già, đổ hàng ngàn khối cát và đầm rất kỹ. Trước khi dựng cột và xà đá, việc tính toán các đầu xà vào mộng nằm trên cột rất chính xác. Khi dựng khung, dân làng dùng cát đổ thành đống lớn rồi lấy sức người kéo cột và xà dần lên, khi cột và xà đã khớp nhau rồi mới xúc cát ra.
Công  việc làm bộ phận dưới của ngôi đền gồm cung trong, cửa tiền, xà cột và tường bao quanh vừa xong, chỉ còn phần mái cung ngoài đang làm dở thì ông Đội Trụ bị ốm nặng, công trình đành phải tạm dừng. Thấy bệnh tình của ông mỗi ngày một trầm trọng thêm, dân làng cử bô lão vào thăm và xin ý kiến về việc tiếp tục xây dựng ngôi đền. Ông đã trao lại bản thiết kế và dặn dò các bô lão tiếp tục hoàn chỉnh. Theo bản thiết kế này thì chủ trương của ông là cuốn mái vòm toàn bộ ngôi đền (giống như mái vòm tròn của nhà thờ Hồi giáo) và thực tế là đã cuốn được 0.80m. Tiếc rằng công việc đang làm dở thì ông từ trần. Ít lâu sau, kế hoạch xây dựng được dân làng tiếp tục, nhưng thấy việc cuốn mái vòm khó quá, các bô lão đành phải dùng hoành, rui gỗ và lợp ngói như hiện nay.
Ngôi đền được xây dựng xong vào cuối thế kỷ thứ XIX, tức là vào khoảng năm 1898, như vậy tính từ lúc khởi công cho đến lúc hoàn thành ngôi đền, phải mất 15 năm ròng rã mới xong.
Phí tổn xây dựng ngôi đền do quỹ làng đài thọ và một số nhà hảo tâm trong làng tiến cúng. 
Người thủ từ đầu tiên của ngôi đền làng là cụ Phạm Xe, một cụ già hiền lành, đức độ, có trách nhiệm rất cao.
4. Nguyên nhân thành công
Ở vào hoàn cảnh thời bấy giờ, một công trình vĩ đại như vậy được hoàn thành là do mấy nguyên nhân sau đây:
- Toàn thể bô lão và dân làng đều có một quyết tâm rất cao, kiên quyết vượt mọi vất vả khó khăn, dũng cảm lao động.
- Ông Đội Trụ là người thiết kế ngôi đền và trực tiếp chỉ đạo thi công có trình độ hiểu biết rộng, nhất là về kiến trúc, lại có tài tổ chức lực lượng nhân công và điều hành mọi việc. Ông được dân làng mến phục, tin yêu nên đã quy phục được lòng dân. Có sức dân, việc khó đến đâu cũng có thể làm xong.
Ngoài hai nguyên nhân kể trên, còn có một nguyên nhân sâu xa và có tính chất quyết định, đó là lòng tôn kính và cảm phục sâu sắc Ngô Tướng Công, người không những đã dầy công đức với dân mà còn là người có công với nước, mặc dầu chí không thành, không đánh đuổi được kẻ thù xâm lược ra khỏi đất nước nhưng đã biểu lộ được tinh thần bất khuất, ý chí quật cường là truyền thống quý báu của dân tộc ta.
Từ lòng cảm phục và biết ơn đó, dân làng ta cùng ông Đội Trụ đã thể hiện được ý chí quyết tâm sắt đá xây dựng được ngôi đền xứng đáng để thờ phụng Người.
5. Giá trị thẩm mỹ và giá trị lịch sử của ngôi đền.
Đền Xuân Bảng ta đã được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XIX, cách đây trên 130 năm.
Đá là vật cứng rắn và nặng, con người tác động vào đá thực là khó hơn tác động vào gỗ thế mà đục, đẽo, cắt xẻ chạm trổ được những đường nét tinh vi, những chữ sắc nét, những hoa văn hài hòa uyển chuyển thật là khéo léo vô cùng. Tương truyền đây là công của những thợ đá mà ông Đội Trụ đã thuê từ vùng Ý Yên về.
Cột đá, xà đá lớn nhỏ, nặng nề như vậy, thế mà được đưa lên cao đến 2-3m, vào mộng rất khít trông như liền một khối, cân đối, chính xác, tất cả chỉ dựa vào sức lao động của con người.
Cả một khối gạch, đá, gỗ, vôi, vữa nặng hàng ngàn tấn dựng thành một tòa nhà cao, to, rộng thế mà không có một chỗ rạn nứt, trong khi chỉ có vôi cát, mật, muối, giấy bản làm chất kết dính.
Đây là một thành quả lao động rất quý của cha ông ta. Nó cũng nói lên sự khéo léo tài tình của người lao động đương thời, là một di sản văn hóa vô cùng quý giá mà các cụ đã để lại cho chúng ta.
Trải qua hơn trăm năm nay, qua những trận bão lớn, đền Xuân Bảng vẫn thi gan cùng tuế nguyệt, ngay cả trong thời kỳ 2 năm 4 tháng, giặc Pháp đã bắn về làng 1008 quả đại bác - ngôi đền vẫn vững như đồng, không hề suy suyển. 
Toàn bộ công trình đền Xuân Bảng đã được hoàn thành như ta thấy ngày nay gồm: tòa Đền, phía bên phải Đền (phía Tây) là tòa nhà Văn Chỉ, bên trái là nhà Ấu và nhiều hạng mục khác như nhà bia, nhà chơi cờ... Cách đây mấy chục năm, hai ngôi nhà để các đấu thủ đứng chơi cờ người lần lượt bị hư hỏng nặng, phải phá bỏ. Cuối thế kỷ trước nhà Văn Chỉ bị hư hỏng, phải phá bỏ cung giữa và cung hậu, chỉ giữ lại cung mặt tiền, vì không có kinh phí để tu bổ.
Rất tự hào được thừa hưởng di sản này của ông cha, chúng ta cần trân trọng, duy trì và bảo vệ ngôi đền cổ kính để lưu lại cho đời sau và tô điểm cho quê hương ta thêm tươi đẹp.


In trang