Tưng bừng lễ hội Đền Ngô Tướng Công (Ngày đăng: 24/01/2014)

Sáng 31/1, thị xã Phúc Yên long trọng khai mạc lễ hội Đền Ngô Tướng Công. Dự lễ hội có đồng chí Dương Thị Tuyến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và đông đảo du khách thập phương.

Ngô Tướng Công tên húy là Ngô Miễn sinh năm 1371 trong một gia đình hào phú có thế lực, có học thức ở thôn Xuân Mai, xã Xuân Hy, tổng Kim Hoa, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc, nay là phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Năm 22 tuổi, Ngô Tướng Công đỗ Tiễn sĩ nhưng ông không ra làm quan mà xin về quê mở trường dạy học, nhằm mở mang dân trí cho nhân dân trong vùng. Ông học rộng, tài cao, lại có chí khí và lòng nhân đức nên học trò theo học rất đông. Uy tín của ông ngày một lan rộng khắp vùng Kinh Bắc và các xứ xung quanh. Sử sách còn lưu truyền lại tấm lòng vì nước, thương dân của ông khi đã đem tiền và 72 mẫu ruộng của gia đình chia cho 4 thôn Mai, Thượng, Triền, Bến thuộc xã Xuân Hy để cày cấy và thả cá kiếm kế sinh nhai.

Năm 1397, Ngô Miễn xin Vua Trần cho dân 10 họ gồm Ngô, Đỗ, Trần, Hoàng, Nguyễn, Phạm, Võ, Đinh, Đào, Tạ ở Xuân Hy xuống bờ biển thuộc phủ Thiên Trường xứ Sơn Nam khai hoang, lập ấp rộng trên 2.000 mẫu, đặt tên xã là Nhật Thi, nay là các xã Xuân Hòa, Xuân Thủy và thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Năm 1400, Ngô Miễn ra làm quan dưới thời nhà Hồ, được Hồ Quý Ly tin cậy giao giữ chức “Nội nhân giám quân thiên cương” chỉ huy quân đội bảo vệ triều đình ngay tại Tây Đô. Những năm làm quan ở triều đình, ông được đánh giá là người có tài năng, thanh liêm, đức độ, góp nhiều công sức trong việc cải cách xã hội. Năm 1407, khi giặc Minh xâm lược nước ta, ông đã cùng quan quân nhà Hồ chống giặc đến cùng. Nhà Hồ thất bại, với một lòng kiên trung, bất khuất, không để rơi vào tay giặc, Ngô Tướng Công đã tuẫn tiết tại cửa biển Kỳ La, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Hôm đó là ngày 12 tháng 5 năm Đinh Hợi, khi ông mới 36 tuổi.

Tên tuổi, con người và sự nghiệp của Ngô Tướng Công được lưu danh vào lịch sử dân tộc và khắc ghi trong lòng của những người dân quê hương phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên. Nhân dân nơi đây đã công đức, lập đền thờ và suy tôn ông là Đức Thánh Tổ. Hằng năm, từ ngày 9 - 11 tháng Giêng đều tổ chức lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương đến thắp hương, tưởng nhớ công đức Ngô Tướng Công. Ngày 2/10/1991, Đền Ngô Tướng Công được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa. 

Lễ hội Đền Ngô Tướng Công năm 2012 đã được tỉnh đồng ý cho tổ chức với quy mô cấp thị xã. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và trò chơi dân gian được tổ chức như: đấu vật, chọi gà, cờ tướng, thi nấu cơm, bịt mắt bắt vịt, bóng bàn, cầu lông, thu hút sự tham gia và cổ vũ của đông đảo nhân dân và du khách thập phương…

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Dương Thị Tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thị xã tiếp tục tôn tạo, tu bổ Đền Ngô Tướng Công thực sự trở thành di tích lịch sử văn hóa xứng tầm với công lao to lớn của Ngô Tướng Công; phấn đấu đưa lễ hội Đền Ngô Tướng Công trở thành lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của thị xã Phúc Yên nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

File đính kèm: