Lễ hội ở Xuân Trường những giá trị lịch sử - văn hóa (Ngày đăng: 15/02/2014)

Lễ hội ra đời và tôn tại liên tục trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt. Lễ hội là hình thức sinh hoạt van hóa phổ biến của họ. Trong tính nguyên hợp của nó, Lễ hội dân gian vừa là hoạt động tín ngưỡng thờ cúng thần linh, vừa là hoạt động vui chơi giải trí, là sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn bó trực tiếp với hoạt động sản xuất vật chất. Trong lịch sử nhân loại, Lễ hội là hoạt động mang tính phổ biến, đa dạng và có từ rất lâu. Hầu như quốc gia dân tộc nào, vùng miền nào cũng có lễ hội. Nó gắn liền với quá trình tồn tại và phát triển của mỗi cộng đồng dân tộc và trong quá trình đó, lễ hội trở thành nhu cầu không thể thiếu của con người và cộng đồng. Xét trên giá trị tinh thần, lễ hội là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội; là một trong những hoạt động nhằm thực hiện giao lưu hội nhập kinh tế - văn hóa giữa các cộng đồng quốc gia dân tộc. 

 tt0.jpg

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, để bảo tồn, phát huy và phát triển lễ hội – Một di sản văn hóa tiêu biểu của Việt Nam là một nội dung quan trọng trong đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng.
Xuân Trường vốn được mệnh danh địa linh nhân kiệt của tỉnh Nam Định. Truyền thống lịch sử văn hóa kinh tế từ đời này sang đời khác đã để lại những giá trị rất giàu nhân văn. Trong đó, hoạt động lễ hội là một phần không thể thiếu ở các trung tâm cộng đồng làng, xã. Theo thống kê bước đầu, chưa đầy đủ, Xuân Trường hiện có hàng chục lễ hội lớn, nhỏ diễn ra trong năm, nhưng tập trung chủ yếu vào mùa xuân. Điển hình là các lễ hội truyền thống: Đền Ngọc Tiên (xã Xuân Hồng) vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, dân làng mở hội kỷ niệm thành hoàng và thần tổ Quảng Công khao quân trước khi lên đường đi bình giặc Chiêm Thành ở Phương Nam. Trong lễ hội có các trò chơi “địch thủy”, “địch hỏa” và trò nấu cơm thi.

tt1.jpg

Đền Xuân Bảng – thị trấn Xuân Trường thường được tổ chức từ ngày 10/2 âm lịch đến ngày 13/4 âm lịch. Hoặc Đình Ngọc Tỉnh thờ thần Nam Hải Phạm đại vương (An Dương Vương) – Đình còn lưu 20 đạo sắc phong của các triều Lê – Tây Sơn. Đình là nơi dân làng tổ chức lễ hội vào ngày 10 – 12/2 âm lịch hàng năm. Tiếp đó đến các đền: Đền Thủy tổ Đỗ Phúc Hữu; Đền Liêu Đông; Các chùa, có: Chùa Kiên Lao – Sùng Phúc Tự; chùa Keo – hành Thiện. Hoặc ngay những hoạt động tại nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh – Hành Thiện, đất học Xuân Trường. Những lễ hội đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho nhân dân.
Nhiều nhất là các tướng lĩnh có công đánh giặc cứu nước, như Đền An Cư (xã Xuân vinh) thờ 3 vị phúc thần có công đánh giặc cứu nước – đó là Nam Hải Đại Vương; Linh Lang Đại Vương; Dương Cảnh Thành Hoàng Phúc Diễn tôn thần; Đền An Đạo (Xuân tân) thờ Dũng quân công tướng quân Trần Cương Nghị, ông đã giúp Lý Thường Kiệt đánh tan quân Chiêm Thành.
Lễ hội Xuân Trường cũng là những ngày hội kỷ niệm các danh nhân có công với nước, với cộng đồng làng xã quê hương, trên các lĩnh vực: Chiêu dân, lập ấp, dạy dân cấy cày làm ăn, xây dựng làng xóm, quốc gia dân tộc, tổ chức cuộc sống cộng đồng mở mang nghề nghiệp, phát triển kinh tế - văn hóa, sáng tạo nghệ thuật. Đó là các lễ hội: Đền Xuân Hy (Xuân Thủy) thờ người có công dựng cùng ấp xóm, Đền – Chùa Kiên Lao (Xuân Kiên). Đền Xuân Bảng, Đình làng Ngọc Tỉnh.
Nơi diễn ra các hoạt động Lễ hội hầu hết là những nơi thờ các danh nhân lịch sử - văn hóa. Đó là đền, đình chùa… Tại các địa điểm này, làng xã coi là “địa linh”, từ xa xưa nhân dân đã xây dựng các công trình kiến trúc uy nghi cổ kính để thờ các danh nhân, ghi nhớ các sự kiện và công lao của các danh nhân do các triều vua phong kiến ban sắc phong để nhân dân tôn thờ lưu giữ. Các công trình đình, đền, chùa đều được xây dựng rất công phu, quy mô to lớn, đắp, vẽ, chạm khắc rất tài nghệ tinh xảo. Đặc biệt, bên trong được bày đặt trang trí những tượng, đồ thờ tự rất uy nghiêm, thể hiện sự tôn kính của nhân dân. Những đồ thờ tự vừa có giá trị tâm linh, giá trị nghệ thuât, đồng thời còn là nguồn sử liệu quý giá về các sự kiện lịch sử, về cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân, như tượng thờ, thần tích, sắc phong, bia đá, chuông đồng, các câu đối, đại tự, địa danh, truyền tích được lưu giữ trong các nguồn văn tự cổ, trong trí nhớ của nhân dân địa phương.
Hoạt động lễ hội là biểu hiện phong phú và sinh động nhất nội dung lịch sử và ý nghĩa giáo dục truyền thống của lễ hội. Hoạt động này gồm phần lễ và phần hội hầu hết tập trung ở phần lễ, mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện sự sùng bái, ngưỡng vọng, nhớ ơn của cộng đồng với danh nhân được tôn thờ.
Thông qua hoạt động lễ hội đã giúp cho mọi người trong cộng đồng và đông đảo quý khách tới dự hội, hồi tưởng những sự kiện lịch sử đã qua, công lao, sự nghiệp của các danh nhân, lịch sử văn hóa, qua đó bồi dưỡng truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” “Ăn quả nhớ người trồng cây”, bồi dưỡng lòng tự hào về truyền thống lịch sử - văn hóa quê hương, đất nước, tăng cường ý thức trách nhiệm bảo tồn và phát huy truyền thống cho mọi người, mọi thế hệ trong cộng đồng. Có thể nói, hoạt động lễ hội ở các làng xã là một phương thức giáo dục lịch sử truyền thống hết sức đặc biệt độc đáo, cuốn hút hàng nghìn, hàng vạn lượt người tham gia, được lặp đi lặp lại định kỳ hàng năm, khiến cho nội dung lịch sử và giá trì truyền thống được phổ biến liên tục và sâu rộng tới mọi tầng lớp mọi thế hệ cộng đồng dân cư; Chính nhờ đó, truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương, đất nước, gia đình, dòng họ và cộng đồng được bảo tồn phát huy. Lễ hội, vì thế trở thành hoạt động xã hội mang nội dung lịch sử văn hóa, đáp ứng nhu cầu cần tìm về cội nguồn của mỗi người và cả của cộng đồng làng xã.
Duy trì những nét sinh hoạt văn hóa, lễ hội – chính là dịp để ôn lại lịch sử, truyền thống, bồi đắp tình cảm của mỗi con người quê hương đất nước, đối với tổ tiên nòi giống và thắt chặt quan hệ tình nghĩa cộng đồng. Chiêm ngưỡng những sắc màu văn hóa truyền thống của quê hương ta thấy yếu tố thiêng liêng không chỉ hiện hữu trong nghi thức tế lễ thần linh, mà còn là cảm hứng xuyên suốt các trò chơi, điệu múa, bài ca, tiếng nhạc trong ngày hội, tạo nên chiều sâu rung cảm và lay thức của nó, là cơ sở cho sức sống trường tồn.

File đính kèm: